Chỉ 1,3% xe ô tô sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, các chuyên gia y tế khuyến nghị gì?
Tại cuộc họp chuyên đề khoa học "Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô" nhằm cung cấp thông tin, sự cần thiết và đề xuất những quy định cụ thể bảo vệ trẻ em trên xe ô tô do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) tổ chức hôm nay 26/9, nêu lên khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên phương tiện giao thông đường bộ, bà Trần Xuân Hằng (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) nhấn mạnh về sự cần thiết phải có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông.
Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho thấy, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, tại TP Hồ Chí Minh là 1,1% và Đà Nẵng là gần như không có. Hầu hết người dùng thiết bị an toàn cho trẻ là do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài.
Phân tích lý do trẻ em không nên ngồi ghế trước, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương cho biết, vị trí này chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm; trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí. Ngoài ra, trẻ hiếu động, tò mò, gây mất tập trung hơn cho người lái xe, không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước trong thiết kế xe.
Do đó, ông Cường cho rằng cần sớm có các quy định pháp luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm; quy định độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn thiết bị an toàn trên xe ô tô...
Nhấn mạnh quan điểm cần thiết sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, TS. Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn.
Vị trí an toàn nhất cho trẻ là hàng ghế sau. Các nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra rằng ở vị trí này giảm nguy cơ chấn thương cho trẻ em kể cả trường hợp không dùng thiết bị an toàn. Cụ thể, khi trẻ không sử dụng thiết bị an toàn, nguy cơ giảm 26% đối với trẻ ngồi phía sau so với trẻ ngồi phía trước; Khi trẻ dùng thiết bị an toàn, nguy cơ này giảm 14%. Mặt khác, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em. Vì vậy, hiện nhiều nước đã ban hành quy định pháp luật về thiết bị an toàn.
Theo báo cáo cập nhật của WHO năm 2023, có 91 quốc gia đã ban hành. Do đó, WHO khuyến nghị Việt Nam về các yếu tố tối thiểu khi xây dựng luật sử dụng thiết bị an toàn như: Áp dụng giới hạn tối ưu cho việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi và dưới 150cm; hạn chế trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô... Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện; có thể chỉ áp dụng hình phạt đối với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và dưới 135cm, sau một thời gian mới xử phạt theo khung áp dụng với trẻ dưới 12 tuổi và cao dưới 150cm.
Nếu bắt buộc trẻ 4 tuổi trở xuống sử dụng ghế an toàn khi ngồi ô tô, sẽ có gần 6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam được hưởng lợi
Theo đó, các kiến nghị về bảo đảm an toàn cho trẻ em ngồi trên ô tô được bà Trần Xuân Hằng - đại diện của Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đưa ra là bổ sung các quy định về các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên phương tiện theo các thực hành quốc tế tốt, bao gồm: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m được chở trên xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Đồng thời, cần có định nghĩa về thiết bị an toàn cho trẻ em; quy định phân loại, quy chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm quản lý đối với hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em.
Theo bà Hằng các nghiên cứu chỉ ra đầu tư thiết bị an toàn khoảng 1,1 triệu đồng có thể giúp tiết kiệm được khoảng 3,34 triệu đồng chi phí y tế, khoảng 11,23 triệu đồng cho thu nhập trong tương lai. Nếu bắt buộc trẻ 4 tuổi trở xuống sử dụng ghế an toàn, sẽ có gần 6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách này. Nếu áp dụng với trẻ dưới 10 tuổi hoặc dưới 1,35m sẽ có khoảng 15 triệu trẻ em được hưởng lợi, có thể giảm 52% thương tích so với chỉ sử dụng dây đai an toàn. Nếu nâng lên độ tuổi lên 12 tuổi hoặc cao dưới 1,5m sử dụng ghế an toàn (hiện khoảng 20 quốc gia quy định), sẽ có khoảng 15 triệu trẻ em được hưởng lợi.
Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 1.800km cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120km/h, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90km/h.
Theo ông Minh, trong bối cảnh nhiều ô tô hơn, nhiều đường cao tốc, quốc lộ tốt bên cạnh mặt tích cực nhưng về mặt an toàn nổi lên một số vấn đề trong đó có việc bảo vệ trẻ em khi chưa có thiết bị bảo vệ an toàn trên các ô tô. Trên thực tế, dây an toàn của người lớn trên xe ô tô chưa phát huy tác dụng đối với trẻ em. Do vậy, việc quy định về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là cần thiết.
Được biết, tại Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đã đề xuất "trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô"...